Nhập thiền nhập định và nhập đạo

Nhập Thiền

Khi có cơ thể bị đau yếu ta dùng thiền định để giúp cơ thể lập lại thăng bằng, được nghỉ ngơi hoặc mong cầu sự giải thoát của thân tâm chúng ta cũng dựa vào thiền định làm phương tiện phương pháp để đạt đạo.

Giai đoạn nhập thiền ta gặp cản trở đầu tiên do không chọn đúng thời điểm. Thời điểm đúng để thiền là lúc rảnh rỗi hoặc thời gian chúng ta dành ra hy sinh những thú vui, lo toàn thường nhật để hành thiền.

Khi thiền tất gặp cản trở do cơ thể bị gò bó tư thế hay tư tưởng bị phân tâm. Giải quyết điều này chỉ bằng một cách là tâm ta hướng về tâm đạo, cơ thể ta hướng về đạo. Ví như thiền là lúc ta bắt đầu căng dây cung bằng tên để chuẩn bị bắn đi. Tâm đạo là tâm của mục tiêu, đạo là tấm bia đằng xa, ánh mắt ta nhìn về tâm điểm như tâm thức ta nhìn về tâm đạo, cơ thể ta được hưởng hào quang của đạo như cơ thể ta đang dương cung hướng tới tấm bia ở xa. Lúc này tâm nhất chiếu nhìn đạo còn cơ thể đang có các bộ phận phải làm việc của riêng mình. Khi thiền thì ta chân có tư thế nhất định, xương sống có tư thế nhất định như khi dương cung có tư thế của dương cung. Trong khi thiền tư thế bị thay đổi như người ngắm bắn bị rung động, tác động từ cơ thể lay động làm tâm thức bị giật mình như chiếc tên bị rung động khi hướng về tâm của bia do cơ thể không đủ sức dương nổi cánh cung.

Hành thiền cần sự tu luyện như cánh tay cần đủ khỏe mạnh để kéo được sức nặng của dây cung. Khi thân thể đủ khỏe mạnh dương cung thật dễ dàng rồi bắn tên đi là lúc đã đắc thiền và trải qua gia đoạn nhập thiền.

Nhập Định

Tên sau khi được vút đi khỏi cây cung phi nhanh về bia mục như người tu đã vào nhập định. Ánh mắt người bắn tên hướng theo đường đi của cây tên là lúc cơ thể được cởi trói khỏi sức nặng của việc dương cung như người tu tập đã trút bỏ được trói buộc của tư thế thân thể và sự phân tâm. Người bắn tên lúc này cơ thể có thể lay động nhưng ánh mắt vẫn hướng theo đường đi của cây tên, người tu tập đã nhập định có thể di chuyển cử động cơ thể mà không mất đi trạng thái đã đắc Định. Thời gian nhập định dài hay ngắn do sức tu luyện của thiền như cây tên bay được càng xa càng lâu do sức mạnh và sự tập luyện của cơ thể người bắn cung. Khoảnh khắc nhập định tuy kéo dài ngắn ngủi nhưng đẹp tuyệt trần thế như hình ảnh cây tên vút đi trong không trung. Cơ thể người tu tập lúc này không còn phân tâm và sự tri phối của trạng thái thể chất như trạng thái hân hoan mà hùng tráng của tráng sỹ đang ngắm nhìn đường tên bay. Cánh tên như tâm thức người tu hành, ngắm bắn đã chuẩn, sức bay của tên đầy hùng cường nhưng có chạm được vào tấm bia nơi xa hay không? có xuyên trúng tâm bia hay không? cũng chính là tâm thức người tu hành có nhập được vào đạo không? tâm thức có ở trong tâm đạo hay không. Đường đi của ánh tên có thể rất đẹp nhưng vô tình có sức gió nơi đâu thổi tới hay bay trong ngày trời trở gió thì thật khó tới được tâm bia. Những làn gió thoang thoảng không thể ảnh hưởng tới đường bay của những ánh hùng tên như những cản trở bất chợt hay ngấm ngầm không gì đáng kể với người tu tập có hùng tâm đại nguyện nhưng vào những ngày bão tố gió lốc thì không thể bắn tên cũng là thời điểm người tu hành giữ gìn thâm tâm như hình thức tập luyện dương cung mà không bắn tức tinh tấn nhập thiền hay dành thời ngắm nhìn những cây tên tuyệt đẹp như đang gìn giữ tâm thức mình trong sáng hoặc giả dành thời gian chế tạo những cây tên mới hay bảo dưỡng những cây tên đã có. Mũi tên không bị hoen gỉ giữ được sắc ngọn như sự sắc bén của tâm thức, thân tên chau chuốt cứng cáp như sự vững vàng của tâm thức, đuôi tên là nhánh lông chim mềm mại như sự uyển chuyển của tâm thức. Một người xạ thủ nếu chỉ có duy nhất một mũi tên cũng như một người tu hành chỉ có một tâm thức.

Nhập Đạo

Phút giây ngộ đạo cũng như tíc tắc mũi tên điểm trúng bia mục, có thể đạt được tâm đạo hay ở trong đạo cũng là thành quả mà người tu tập đắc được nhưng những tấm bia bất động được người bắn tên dựng lên để tập luyện cũng như đạo vô tri vô giác mà người tu hành tạo ra để tập luyện.

Một xạ thủ trưởng thành như một người tu hành đã nhập thiền, đã nhập định và đã nhập đạo. Xạ thủ giờ không chỉ tập luyện nữa mà bắn tên đi để gặt hái cây trái trên cao như hành giả gặt hái những chân lý bất động. Xạ thủ bắn trúng những con mồi di chuyển như tâm thức hành giả tới được những chân lý luân chuyển. Trái cây thì rơi ngay xuống đất khi bị bắn trúng, bắn trúng cuống của quả thì quả rơi xuống nguyên vẹn khi được đón lấy, bắn xuyên vào trái thì trái khi trên tay không còn nguyên vẹn nhưng vẫn ăn được. Những con chim bay trên trời khi rơi xuống có thể không ở vị trí người bắn cung có thể lượm nhặt nếu thiện xạ đứng nơi đỉnh núi bắn trúng cánh chim đại bàng, đại bàng sẽ có thể rơi xuống vực trong ánh mắt người thiện xạ. Người tu hành có thể nhìn thấy đại đạo, tâm thức có thể tới được tâm đại đạo như xạ thủ bắn xuyên tim đại bàng. Ước muốn chinh phục đại đạo như người bắn cung muốn chinh phục đại bàng là chúa tể bầu trời.  Dù thân đại bàng rơi xuống vực sâu hay trên tay người xạ thủ thì cũng là một cánh chim đại bằng đã tắt thở hoặc sắp lìa bỏ cuộc sống hoặc bị thương tật. Người đại giác có thể đưa tâm thức tới muôn ngàn chánh đạo, ma đạo, thiên đạo, vương đạo hay tà đạo nhưng liệu người thiện xạ có được bao nhiêu mũi tên và bao nhiêu sức bắn để bắn rụng tất cả cây trái lẫn muông thú tại trần gian cũng như người đại giác có bao nhiêu sức mạnh của thiền định để đưa tâm thức tới được tất cả tâm đạo.

Người thiện xa sau khi bắn cung để tên đi xuyên thẳng vào tâm mục tiêu hãy nghỉ ngơi hay tận hưởng cuộc sống.

Người đại giác sau khi nhập thiền nhập định và nhập đạo cũng hãy nghỉ ngơi hay tận hưởng cuộc sống.

Người thiện xạ không thể không bắn trúng tâm mục tiêu cũng như người đại giác không thể không nhập đạo.

Check Also

Cầu nguyện

Quan hệ đối thoại giữa người sống và người chết, với Thiêng Liêng ban đầu …